Ở thời nào đi nữa cha mẹ đều phải dạy dỗ con cái, nhưng mỗi thời một khác. Trước đây, kinh nghiệm được chia sẻ nhiều để dưỡng dục con cái được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo thành nề nếp gia phong, nhưng ngày nay, “quy trình” đó dường như đã bị phá vỡ.
Khác xưa nhiều lắm!
Thời đại ngày nay khác xưa nhiều lắm được coi là “thời đại nguy cơ”, do toàn bộ cấu trúc xã hội, kiến trúc văn hóa biến chuyển quá nhanh, khiến môi trường giáo dục ngày càng phức tạp, làm gia tăng khoảng cách giữa các thế hệ, suy nghĩ, lối sống của giới trẻ đã vượt quá tầm kiểm soát của cha mẹ…
Thực tế nảy sinh nhiều hiện tượng khó giải thích và không đúng với quy luật thông thường. Ví dụ có nhà “thả” con ra với đời thì con lại thành công hơn là ở một gia đình kèm cặp con rất sát sao. Có gia đình cha mẹ đều là cán bộ hiền lành, gương mẫu nhưng con cái lại hư và không thành đạt bằng con nhà hàng xóm có cha mẹ buôn gian bán lận…Nhiều bậc cha mẹ đều thở dài bất lực vì không thể hiểu và dạy được con mình.
Trong một hội nghị về giáo dục gia đình, nhà văn Nguyên Ngọc phát biểu: “ Thời chiến tranh, tuy thiếu thốn, gian khổ, có khi mất mát hy sinh, nhưng con người sống có lý tưởng, trẻ ít có nguy cơ hư hỏng. Thời đại ngày nay với những chuyển biến thay đổi phức tạp, con người đứng trước nhiều thử thách và cám dỗ, nền giáo dục của nước ta lại quá nhiều bất cập, các giá trị đạo đức xã hội bị đảo lộn, giềng mối gia đình bị rạn nứt, do vậy, việc dạy dỗ con cái trở nên khó khăn hơn bao giờ hết”.
Nhiều phụ huynh than rằng: Bây giờ có nói nhưng con không nghe; xa rời cha mẹ; ngày xưa cha mẹ là nguồn tri thức chủ yếu cung cấp cho con, nhưng ngày nay giới trẻ có nhiều điều kiện tiết cận công nghệ thông tin và các giá trị hiện đại, cha mẹ khó theo kịp nên không dạy được con…Mỗi khi gặp khủng hoảng, cha mẹ thường có xu hướng quay về với phương pháp giáo dục cũ là áp đặt, theo sát và trừng phạt nghiêm khắc, nhưng theo sát được con cái trong điều kiện hiện nay cũng không phải dễ, và từ đó thường nảy sinh mâu thuẫn thế hệ.
Một số cha mẹ đã thay lối giáo dục truyền thống kiểu “theo sát” bằng sự nới lỏng, nhằm tạo cho con khoảng tự do cần thiết để phát triển nhân cách độc lập. Nhưng sự thật lại có nhiều gia đình gương mẫu đã trở thành “những gia đình có vấn đề” do sự nới lỏng này. Các nhà nguyên cứu cho rằng, “xã hội hiện nay có xu hướng đòi hỏi qua nhiều ở gia đình, trong khi tạo điều kiện quá ít cho nó”.
Hãy để trẻ là “một người tốt bình thường”
Có thể nói, quá trình dạy con nên người là một hành trình mà chính các bậc cha mẹ phải tự trang bị cho mình những kiến thức khoa học, kỹ năng giáo dục con cái, quan trọng nhất là phải hiểu được các vấn đề của thời đại mình đang sống, phải học để mình chuẩn bị gì, trang bị gì cho con bước vào đời.
Theo các nhà giáo dục: Các bậc cha mẹ thời nay chỉ cần dạy con trở thành “một người tốt bình thường” biết sống xứng đáng, có lòng tự trọng, biết ứng xử, biết tiếp cận và sàng lọc những giá trị trong cuộc sống; biết yêu bản thân, yêu gia đình và yêu quê hương, từ đó mới có thể nói đến lòng yêu nước. Tư tưởng, hình ảnh của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến con cái, bởi vậy muốn dạy con thì chính các bậc cha mẹ cũng phải trở thành một người với những giá trị cơ bản nhất, điều đó chỉ có thể hình thành qua việc rèn luyện bản thân và học tập những kỹ năng, kinh nghiệm cùng với những kiến thức khoa học về cách giáo dục con cái.
Nhu cầu được học, được tư vấn, được đào tạo với các bậc cha mẹ ngày càng tăng nằm ở mỗi quốc gia. Theo đó, giáo dục gia đình hiện đại trong thế kỷ 21 phải phát triển một cách chuyên nghiệp để đạt được 3 mục tiêu cơ bản: Không sử dụng bạo lực; dạy con biết yêu sự hoàn hảo (làm gì phải làm tới cùng, sẵn sàng đương đầu với thử thách); yêu thiên nhiên và thân thiện với môi trường sống. Tiếc rằng ở ta chưa phổ biến loại hình trường học này.
Nguồn: http://dochoihahuy.com/hay-nuoi-va-day-tre-tro-thanh-nguoi-tot-binh-thuong.html