Bạn đã bao giờ ước được quay về làm một đứa trẻ vô tư không phải suy nghĩ gì hết? Thế nhưng, hầu hết những đứa trẻ nào cũng muốn mình nhanh chóng trở thành người lớn, bao gồm cả bé con của bạn. Hãy dạy cho bé về giá trị của những gì bé đang được hưởng thụ để trẻ không phải nuối tiếc khi lớn lên, bạn nhé.
Giờ ngủ trưa có thể thật quý giá
Con của bạn có thường trốn ngủ trưa? Nếu có, chắc hẳn sau này con sẽ hối tiếc những giấc ngủ trưa khi con lớn. Bọn trẻ thường không muốn ngủ trưa vì chúng nghĩ còn nhiều thứ thú vị khác để làm hơn giấc ngủ trưa nhàm chán kia, thế nhưng khi trẻ lớn lên, có gia đình và sinh con đầu lòng, con có thể đánh đổi tất cả để lấy 30 phút nghỉ ngơi.
Con sẽ biết quý tiền nếu con tự trả những thứ con muốn
Rất ít trẻ em hiểu được câu nói: “Cái này mắc quá!” khi ba mẹ từ chối mua cho chúng một món đồ nào đó. Đối với con, giá tiền chỉ là những con số, trẻ không hiểu như thế nào là mắc hay rẻ. Dĩ nhiên không cha mẹ nào muốn tạo áp lực chuyện tiền bạc lên con nhỏ nhưng ý thức được giá trị của đồng tiền là điều mọi đứa trẻ cần khi lớn lên. So sánh một cách tương đối chi phí của các vật dụng có thể là một gợi ý cho bạn, ví dụ như: “Không mua món đồ chơi này, Bi sẽ có thêm sữa uống trong 2 tuần.” Lưu ý là cần so sánh giữa thứ trẻ muốn có với thứ trẻ thích nhé. Khi trẻ lớn hơn, bạn có thể dạy con ngoan làm quen với việc tiết kiệm tiền tiêu vặt để mua những thứ mình muốn.
Những chuyện “người lớn” không còn hấp dẫn
Một số đứa trẻ, đặc biệt là các cô cậu tuổi teen, thường nghĩ rằng người lớn có nhiều “đặc quyền”. Bất cứ chuyện gì ba mẹ và anh chị có thể làm mà mình thì không, trẻ sẽ cho rằng điều đó chắc hẳn rất tuyệt, bao gồm cả những điều như uống rượu, hút thuốc. Cho nên, trẻ sẽ không tin rằng có rất nhiều người lớn ghét uống rượu, hút thuốc nhưng họ vẫn buộc phải làm vì công việc hoặc vì quá áp lực và cần được giải tỏa.
MarryBaby
Thời gian trôi nhanh hơn theo độ tuổi của con
Khi còn là một đứa trẻ, bé có tất cả thời gian trên thế giới này, một tuần có thể thành một tháng, một tháng là một thế kỷ còn một năm thì lại càng dài vô tận. Ngay cả khi trẻ tới tuổi đến trường, những ngày nghỉ và ngày hè vẫn còn khá nhiều. Tuy nhiên, khi con học hết cấp 3, thời gian dường như trôi nhanh hơn, mọi thứ trở nên gấp gáp hơn một chút. Và khi con rời giảng đường Đại học, con sẽ nhận ra rằng một tuần có thể trôi nhanh cứ như một phút vậy. Những năm tháng tươi trẻ sẽ trôi qua rất nhanh, nếu con không ý thức được điều đó, con cũng sẽ không hiểu được giá trị của thời gian để sử dụng nó một cách hợp lý.
18 tuổi chưa hẳn là người lớn
Rất nhiều các cô cậu bé cấp 2, cấp 3 nghĩ rằng 18 tuổi là trưởng thành, là lúc được tự do làm mọi điều mình muốn mà không phải chịu sự quản lý của ba mẹ, vì thế, ai cũng mong đến năm 18 tuổi. Tuy nhiên, sự thật là con số 18 chẳng phải tấm vé thông hành vào một thế giới tuyệt vời. Con cái cần hiểu hai điều sau: Thứ nhất, sự trưởng thành không được đo bằng số tuổi, thực tế có những người đã 30 nhưng vẫn thiếu chín chắn so với một số người 20 tuổi; Thứ hai, quyền lợi luôn đi cùng trách nhiệm, khi con đủ lớn để làm những điều con muốn cũng đồng nghĩa con phải có trách nhiệm tương đương với bản thân, gia đình và những người xung quanh.
Mọi thứ sẽ ngày càng tốt đẹp hơn
Khi một đứa trẻ bị bắt nạt ở trường vì quá mập, vì quần áo cũ kĩ hay vì kiểu tóc khác lạ, trẻ thường có cảm giác những chuyện tồi tệ này sẽ không bao giờ kết thúc. Đối với đầu óc non nớt của con, tất cả những gì trẻ biết là mình bị tổn thương, bị chọc ghẹo. Nếu một đứa trẻ lớn lên với sự ám ảnh của những chuyện trong quá khứ, trẻ sẽ khó phát triển hoàn thiện. Vì thế, đừng bao giờ quên dành thời gian dạy con ngoan bài học về sự lạc quan.
Nguồn: http://dochoihahuy.com/nhung-su-ve-con-tre-nen-biet-truoc-khi-lon.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét